“Những chuyến đi của tôi, giờ đây không đơn thuần là tìm kiếm giới hạn bản thân mà còn là tìm cơ may để gặp gỡ nhưng con người tuyệt vời – lắng nghe câu chuyện của họ- và cùng viết lên câu chuyện của cuộc đời mình”
Tôi đã từng tham gia một số các chuyến thiện nguyện kể cả cùng và không cùng với eMông. Chủ yếu các chuyến đi hướng tới trẻ em nghèo, đồng bào miền núi, hoặc các đối tượng mà đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong lòng tôi, đôi khi vẫn băn khoăn dằn vặt bởi câu hỏi “Làm từ thiện thế nào cho đúng?”
Có một lần tôi đã viết message cho chú Trần Đăng Tuấn – người sáng lập nên nhóm Cơm Có Thịt- một nhóm có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng đặc biệt là trẻ em dân tộc miền núi phía Bắc để mong tìm kiếm được câu trả lời cho mình.
Bức thư khá dài, tôi xin trích một đoạn ngắn như sau:
<…gần đây cháu có đọc được một đoạn trong cuốn sách “Tôi là một con lừa” của chị Nguyễn Phương Mai viết về Châu Phi như thế này
“Mở đầu chuyến đi tại Nam Phi Tôi làm tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi… Nhưng làm chưa được một tuần thì tôi bỏ chạy. Không phải vì tôi không chịu được khổ, không phải vì tôi không chịu được cảnh những đứa bé bị bỏ rơi, sống thiếu thốn. Tôi bỏ chạy vì bất ngờ hiểu rằng tại sao hơn sáu nghìn tỷ đô la đổ vào Phi châu bao năm qua không những không làm cho châu lục này gượng dậy được mà còn góp phần phá hoại văn hóa, làm thui chột tiếm năng kinh tế, biến người dần trở thành những kẻ ăn thừa chuyên nghiệp và biến chính phủ trở thành những kẻ ăn xin chuyên nghiệp.
Các cô giáo ở trường học nơi tôi làm việc chỉ cấn chờ tình nguyện viên đến là bỏ lớp ra ngoài ngồi hóng gió. Đồng tiền góp vào không thực sự có khả năng sinh sôi. Đúng là cho con cá chứ không cho cái cần câu. Họ nghèo vẫn hoàn nghèo, ngày càng nghèo hơn, đến mức không còn muốn tự đứng lên mà chỉ biết kể lể oán trách phương Tây vì những tháng ngày đô hộ xa xưa.
Mỗi tháng tôi thường dành một số tiền nhất định và tài khoản sẽ tự động chuyển nó đến tổ chức từ thiện tôi yêu cầu. Từ sau chuyến đi Nam Phi, số tiền đó tôi không gửi cho quỹ hỗ trợ đói nghèo ở châu Phi nữa mà mua một tài khoản ở KIVA, môt tổ chức chuyên giúp đỡ các nước đang phát triển làm kinh tế. Có vay có trả, không cho không cái gì nữa. Không gửi quần áo đến nữa. Không mua kẹo phát bừa phứa nữa. Không cho ăn xin nữa. Để giúp đỡ thật lòng đôi khi con tim phải biết lạnh lùng đến như là vô cảm”
Cũng như dựa vào thực tế trải nghiệm của mình cháu thấy: Có những địa điểm có thể vì thường xuyên được ủng hộ nên thái độ của họ với các đoàn ủng hộ khác nhau rất khác nhau. Trẻ con vốn dĩ ở vùng sâu vùng xa rất ngại ngùng, trong veo nhưng có những vùng các em gặp ai cũng chìa tay ra đòi kẹo, đòi tiền khi chụp ảnh…
... liệu bài toán với Châu Phi có lặp lại như bài toán với miền núi của mình? Liệu mình có phương án nào cho miền núi tương tự như cho cần câu cá chứ không phải cho cơm?>
Câu trả lời chú dành cho tôi khá đơn giản theo những gì chú đã thực tế trải nghiệm. Tuy phần nào hữu ích nhưng so với một kẻ lạc giữa ngã ba rừng trong trời nắng chang chang như tôi thì rõ là tôi không chỉ cần một chai nước suối mát lạnh, tôi còn cần một chiếc la bàn để có thể tìm được lối ra.
Cho đến khi tôi đi cùng eMông trong chuyến về Tự Do, Hòa Bình- Tổ chức Tết Thiếu Nhi ở Rẻo Cao…
Tôi mạn phép xin lỗi nếu đã làm cho bạn hi vọng có gì đặc biệt ở buổi tổ chức tết thiếu nhi đó khiến nó hơn hẳn những chuyến thiện nguyện khác. Thú thực là không phải, chương trình diễn ra cũng bình thường như bao sự kiện khác: BTC & nhà tài trợ trao học bổng, quà, bánh kẹo cho các cháu, một số đồ dùng cho nhà trường; văn nghệ văn gừng; cảm ơn vv…; vẫn là ánh mắt bẽn lẽn xen lẫn háo hức của bọn trẻ con; vẫn là những nụ cười ngượng nghịu, chân chất của các bậc phụ huynh miền núi và niềm vui của các thầy cô.
Nhưng đúng là vào ngày thứ hai của hành trình đã có một dòng thác chảy xối xả mạnh mẽ cuốn phăng mọi băn khoăn, thắc mắc của tôi nhờ câu chuyện với một người lớn trong đoàn- Chị Him
<Còn nữa >